Ngày nay việc ký kết hợp đồng rất phổ biến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực của cuộc sống. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về phụ lục hợp đồng?
I. Tổng quan về phụ lục hợp đồng
1. Phụ lục hợp đồng là gì?
Theo Khoản 1 Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung hợp đồng.
Phụ lục hợp là một phần của hợp đồng nên nó có hiệu lực như hợp đồng. Do đó, phụ lục hợp đồng được xây dựng và xác lập kèm theo hợp đồng nên nội dung cũng bị ràng buộc, và thực hiện như các nội dung khác của hợp đồng không thể tách rời.
Phụ lục của hợp đồng không phải là hợp đồng phụ. Hợp đồng phụ là một hợp đồng riêng biệt tách khỏi hợp đồng chính và có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Còn phụ lục hợp đồng là một bộ phận của hợp đồng, hiệu lực của nó như hiệu lực của hợp đồng mà nó kèm theo. Các bên trong hợp đồng cũng phải thực hiện các nội dung trong phụ lục cùng với nội dung khác trong hợp đồng.
Bên cạnh những hợp đồng có nội dung rõ ràng, ngắn gọn thì có nhiều hợp đồng có nội dung rất dài và phức tạp. Trong khi đó, các điều khoản hình thành nên hợp đồng cần ngắn gọn, dễ hiểu, chứa đựng thông tin cần thiết để thực hiện hợp đồng đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, khi giao kết hợp đồng, các bên thường thỏa thuận phụ lục kèm theo để giải thích, quy định chi tiết các điều khoản của hợp đồng.
Xem thêm: Hợp đồng là gì? Pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng?
2. Nội dung của phụ lục hợp đồng
Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Trường hợp phụ lục hợp đồng bị vô hiệu thì hợp đồng vẫn có hiệu lực, tuy nhiên nếu hợp đồng vô hiệu một phần hoặc toàn bộ sẽ dẫn đến phụ lục hợp đồng cũng bị vô hiệu tương ứng với điều khoản bị vô hiệu ở hợp đồng.
II. Pháp luật quy định ra sao về phụ lục hợp đồng
1. Số lần tối đa được ký phụ lục hợp đồng
Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về số phụ lục hợp đồng tối đa có thể ký kết, vì thế số lượng sẽ tùy thuộc vào mức độ cụ thể của hợp đồng và tùy thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao kết.
Tuy nhiên, theo quy định Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ – CP thì riêng đối với hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng, cụ thể:
“Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động”.
Như vậy, các bên chỉ được ký kết phụ lục để sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động tối đa một lần và đảm bảo không làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết.
2. Các loại phụ lục hợp đồng được pháp luật cho phép
Từ khái niệm phụ lục hợp đồng nêu trên thì phụ lục hợp đồng có thể chia làm hai loại:
Phụ lục hợp đồng như một phần bổ sung cho hợp đồng chính, quy định chi tiết một số điều khoản và được lập đồng thời với hợp đồng chính. Phụ lục loại này thường quy định cụ thể về công việc thực hiện, tiêu chuẩn, số liệu, giai đoạn, ngày tháng,… theo như hợp đồng chính nhưng chi tiết và cụ thể hơn.
Phụ lục hợp đồng để bổ sung hoặc sửa đổi một số quy định của hợp đồng đã được lập trước đó. Phụ lục loại này thường là thay đổi các nội dung của hợp đồng đã lập như: gia hạn, rút ngắn thời hạn hợp đồng, điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trị theo hợp đồng, sửa đổi hoặc bổ sung một số hạng mục công việc thực hiện,…
3. Khi nào cần bổ sung phụ lục hợp đồng
Nếu hợp đồng chính không phát sinh vấn đề gì, không có gì cần làm rõ hay sửa đổi, bổ sung nội dung gì thì việc làm phụ lục hợp đồng không cần thiết.
Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng có thể phát sinh nhiều vấn đề mà các bên chưa lường trước được. Lúc này, thay vì ký lại hợp đồng với những thủ tục phức tạp thì 02 bên có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng.
Chẳng hạn, muốn gia hạn hợp đồng thêm 02 tháng thì 02 bên sẽ không ký lại hợp đồng mà lập thêm một phụ lục gia hạn hợp đồng để thỏa thuận thời gian thực hiện hợp đồng.
Nếu hợp đồng chính có nội dung cần bổ sung, có thể lập phụ lục hợp đồng để thêm một vài điều khoản hợp đồng…
Nếu hợp đồng chính có nội dung sai sót, có thể lập phụ lục để bổ sung thêm các điều khoản nhằm sửa đổi hợp đồng chính.
Thông thường, hợp đồng không bắt buộc phải có phụ lục mà chỉ có trong hai trường hợp sau đây:
– Quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng.
– Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng.
III. Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin để trả lời cho câu hỏi: Phụ lục hợp đồng là gì? Đi kèm với hợp đồng, phụ lục hợp đồng thường xuyên được nhắc đến. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ và hiểu rõ về phụ lục hợp đồng. Pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ ràng về phụ lục hợp đồng. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt.
Các thông tin trên có độ tin cậy và tính chính xác cao, đã được kiểm chứng bởi Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.
Tham khảo thêm các bài viết về nghiệp vụ pháp lý, và các bài viết về các loại hợp đồng tại MISA AMIS .